Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng về việc đọc sách và tự học mà thế hệ trẻ cần học tập
26/04/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.jpg)
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “ Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.” Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, đúng như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét : Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời. Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm ( Vào ngày 9 tháng 12 năm 1961), Người đã tâm sự: “ tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Nguyên lý và phương thức học của Người được đúc kết trong câu: “ Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Vậy phương pháp đọc sách, báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Và vai trò của sách báo đối với công tác tự học của Người ra sao?Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để từ đó cùng suy nghĩ và rút ra bài học cho chính bản thân trong cuộc sống, học tập và công tác để ngày càng hoàn thiện mình hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, Người đã được kế thừa truyền thống ham đọc sách của dân tộc và gia đình, chính vì vậy mà Người đã luôn coi trọng sách, báo. Việc đọc sách, báo ở chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường, mà Người đọc chủ yêú là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, lớn lên chứng kiến nỗi bế tắc của bao tầng lớp sĩ phu yêu nước và nỗi thống khổ của nhân dân. Người đã đọc được lời than vãn của cụ Phan Bội Châu :
“ Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”
( Nghĩa là : Non sông mất rồi sống càng thêm nhục. Sách thánh hiền tẻ ngắt càng đọc càng thêm mụ mẫm ).
Mặc dù đọc được những lời than vãn đó từ một người sỹ phu yêu nước như vậy nhưng không vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ bê việc đọc sách mà ngược lại Người càng miệt mài đọc sách hơn. Người đọc rất nhiều loại sách và đọc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau: sách chữ Hán, sách chữ quốc ngữ và cả sách viết bằng tiếng Pháp nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng: sách chính là “ thuốc chữa tội ngu” và là một trong những nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì ? và đáp án trả lời cho câu hỏi ấy của Người cũng chính là nhờ sách, báo. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì Người đã khẳng định chắc chắn rằng đây là con đường cứu nước, cứu dân và hình ảnh “ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã đi vào lịch sử.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: Muốn trở thành người hiểu biết phải đọc cho rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin trong sách, báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người say mê đọc sách ngay từ khi còn ở tuổi ấu thơ, và ngay lúc còn trẻ Người đã có một phương pháp đọc sách rất khoa học. Người thường khoanh và đánh dấu vào những chỗ đọc thấy cần thiết. Trong tác phẩm “ Búp sen xanh” nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại lời tâm sự của cậu ấm Phạm Gia Cần, một người bạn của Hồ Chủ tịch thời thơ ấu như sau: “ ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn bận rộn với trăm công, ngàn việc, nên thời gian đối với Người là vô cùng quí giá. Để khỏi mất thời gian đọc đi đọc lại tìm thông tin, nên khi đọc nghiên cứu tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc ghi chép, đánh dấu, gạch chân, đóng khung và thậm chí cắt gián. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc rất nhiều sách, báo. Mỗi ngày, Người đọc khoảng trên hai chục tờ báo trong và ngoài nước, cho nên nếu không có những biện pháp đọc khoa học thì khó có thể nhớ và tổng hợp hết được các vấn đề và thông tin đã đọc. Theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn : “ Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng, để viết”. Với phương pháp đọc sách như vậy nên khi cần đến một vấn đề gì, Người đã không phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quyển chuyên dùng để ghi lại những ý chính của các cuốn sách Người đã đọc cùng với những nhận xét đánh giá của mình.Với Hồ Chủ tịch, đọc sách không chỉ cho riêng bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách, báo. Trong “ Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, có đoạn viết: “ Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng dù làm công việc gì cũng cần phải đọc sách: người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình, những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ, người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn và đặc biệt người làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không chỉ đơn thuần “Cần phải xem báo Đảng” mà Người còn dạy chúng ta: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng...Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy” . Người cũng chỉ ra rằng: “ Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải chịu khó. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi ghép hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành tài liệu mà viết”.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài việc đọc nhiều và biết cách ghi chép thì còn phải đọc có suy nghĩ. Sách cũng có sách hay, sách tốt nhưng cũng có sách xấu, nội dung không tốt, nên khi đọc phải có suy nghĩ thấu đáo, tuyệt đối không được nghĩ cái gì sách viết ra là cũng đúng, cũng làm theo. Người đã từng dạy rằng : “ Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi : “ vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.” Những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề, thuật ngữ khó hiểu cần được đọc đi đọc lại nhiều lần để hiểu thật đúng vấn đề mới có thể áp dụng vào công việc, cuộc sống. Đọc sách báo là một công việc nhiều người có thể làm được, nhưng đọc để hiểu và làm được theo sách thì không phải là một việc dễ. Muốn đọc và làm được theo sách thì người đọc phải có trình độ hiểu biết rộng và phân tích được những cái gì nên làm theo và cái gì không nên làm theo để tránh hồ đồ, tin theo sách một cách mù quáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đồng ý với những người đọc như một con mọt sách, đọc để khoe khoang ra vẻ ta đây ta là người trí thức, nhưng thực chất không thu hái được gì sau khi đọc. Trong tác phẩm “Về vấn đề học tập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “ Có đồng chí thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là người hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin. Học để trang sức chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng” . Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về đọc sách quan trọng nhất là kết quả sau khi đọc, đọc không chỉ để thu lượm kiến thức cho bản thân, cất giấu vào trong bộ não của mình mà phải biết áp dụng những điều đã đọc được vào thực tiễn, cuộc sống, công việc để giải quyết các vấn đề tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng học được rất nhiều ở các bậc tiền bối về phương pháp đọc sách :“ Sửa mình lấy thiện làm vui. Lập thân đâu phải cứ ngồi đọc suông” (Nguyễn Trãi) ; “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được” (Lê Quí Đôn). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc đem ứng dụng các điều đã đọc được qua sách báo vào thực tiễn cuộc sống mới đáng quý. Một trong những câu danh ngôn hay về sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: “ siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí” nhưng “ Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành , thì khác nào cái hòm đựng sách.”. Trong học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến chữ hành, còn trong đọc sách Người luôn đề cao việc đề áp dụng những điều trong sách vào thực tiễn. Nhưng áp dụng theo sách không có nghĩa là sách viết thế nào thì mình làm theo y như thế mà phải có đầu óc sáng tạo để áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, dân tộc mình hay công việc cụ thể mình đang đảm trách. Trong tác phẩm con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết : “ Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết”.
Ngày nay học tập suốt đời là mục tiêu phấn đấu của mỗi con người để ngày một trưởng thành hơn. Học tập suốt đời cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện để xây dựng một xã hội học tập, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Muốn xã hội phát triển được thì con người cần có tri thức, mà tri thức con người có được lại phải nhờ vào chính sự nỗ lực cố gắng của bản thân mình thông qua việc học tập không ngừng và đọc sách, báo. Hiện nay cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì sách báo cũng được xuất bản rất nhiều. Đây là một cơ hội cho tất cả mọi người để có thể tự nâng cao sự hiểu biết của mình. Nhưng đọc cái gì và đọc như thế nào mới là điều cần quan tâm. Hãy rèn cho mình một thói quen, một phương pháp đọc sách hữu ích mà tấm gương sáng nhất để chúng ta học tập đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên thực tế các bạn trẻ ngày nay, nhất là học sinh, khả năng tự học của các bạn có vẻ như chưa tốt, rất nhiều bạn trông chờ vào thấy cô giáo nên mặc dù có rất nhiều phương tiện để tự học như học qua sách, báo; học trên mạng internet; học ở bạn bè; học trong cộng đồng,… nhưng hầu hết các bạn đã không biết xây dựng cho mình một kế hoạch chủ động tự học. Hãy lấy tấm gương đọc sách và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh để soi sáng cho hành trình học tập của mình các bạn nhé. Sách, báo là kho tàng tri thức vô tận để giúp các bạn học tập và phấn đấu tự hoàn thiện bản thân mình. Đúng như lời Cao Bá Quát đã từng nói “ đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”. Đọc sách sẽ cho chúng ta đôi mắt sáng như ngọn đèn muôn dặm để nhìn rõ, hiểu được những cái gì nên làm, điều gì nên tránh để không bị vấp ngã trên con đường còn lắm chông gai của một đời người phía trước. Và chính sách cùng là đôi mắt để dẫn dắt cuộc cách mạng của cả dân tộc ta đi đến bến bờ thắng lợi.
Phạm Thị Thơm