Ứng dụng kỹ thuật số vào học tập và đọc sách, làm sao để tránh lạm dụng?
25/04/2023
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.png)
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023, vấn đề ứng dụng kỹ thuật số vào việc học và đọc sách được nhiều người quan tâm.
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã tổ chức diễn đàn giao lưu với chủ đề "ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay" thu hút sự chú ý.
Tại sự kiện, PGS.TS Đinh Điền khẳng định các ứng dụng kỹ thuật số có vai trò vô cùng lớn trong việc tìm kiếm tri thức nhân loại. Trong đó, công nghệ ChatGPT đang được nhiều người quan tâm.
Ông Lê Đăng Khoa - Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023 - 2024 cho biết với ưu điểm vượt trội trong xử lý ngôn ngữ, nhiều công ty đã dùng nó để tạo content (nội dung), viết code, từ đó tăng năng suất, hiệu quả trong công việc.
"Tuy nhiên, người dùng nên xác định việc dùng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ để không bị lạm dụng dẫn đến mài mòn sự sáng tạo. Đối với các bạn trẻ đam mê viết sách, viết văn, ChatGPT có thể là công cụ cần thiết nhưng không thể thay thế được sự sáng tạo đến từ cảm xúc", ông khẳng định.

Em Bùi Lưu Bảo Khánh (Ảnh: Mộc Khải).
Liên quan đến việc ứng dụng kỹ thuật số vào văn hóa đọc, em Bùi Lưu Bảo Khánh (SN 2009) - Đại sứ văn hóa đọc nhỏ tuổi nhất - cho biết mỗi ngày em thường dành ra 1 tiếng để đọc sách trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, khi không có thời gian, Bảo Khánh vẫn tận dụng sách nói hoặc nghe podcast để hỗ trợ thêm.
Ở lĩnh vực giáo dục, không thể phủ nhận những lợi ích mà smartphone (điện thoại thông minh) mang lại, giúp giáo viên, học sinh thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin, tài liệu. Song, việc ứng dụng kỹ thuật số quá nhiều vào việc học cũng gây ra không ít bất lợi. Vấn đề được đặt ra là làm sao để ứng dụng kỹ thuật số vào việc học và đọc sách một cách hợp lý?
Chị Thanh Hà (SN 1991, ở TPHCM), cho biết smartphone và các thiết bị điện thoại thông minh hiện nay giúp ích rất nhiều cho việc học và tiếp thu kiến thức của trẻ nhỏ. "Con gái tôi đăng ký học tiếng Anh online qua một ứng dụng trên smartphone. Các phần mềm này có hình ảnh, âm thanh sinh động, giúp trẻ hào hứng khi học. Ngoài ra bé cũng thích chơi các trò "nhanh tay nhanh mắt", rèn luyện trí nhớ trên điện thoại. Bé cũng sử dụng iPad khá thành thạo để học một lớp tiếng Anh online do cô giáo ở xa giảng dạy", chị nói thêm.
Tuy nhiên, chị Thanh Hà cũng nhấn mạnh, không nên lạm dụng quá nhiều vào các thiết bị điện tử. Để tránh trường hợp trên, chị thường sử dụng chế độ "YouTube Kids" cho con gái đồng thời kiểm soát khi con dùng smartphone, giới hạn thời lượng dùng mỗi tuần, mỗi ngày. Ngoài ra, chị cho con gái tiếp xúc nhiều hình thức học và đọc khác như đọc sách, báo dành cho lứa tuổi nhi đồng...

Phụ huynh kiểm soát việc học của bé thông qua ứng dụng (Ảnh: Huỳnh Quyên).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023 về việc tránh để trẻ em lạm dụng smartphone trong quá trình học, đại diện nhà sản xuất Eduhome - một ứng dụng học tiếng Anh dựa trên sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép - khẳng định: "Thông qua ứng dụng học tập, phụ huynh vẫn có thể dễ dàng theo dõi lộ trình học tập của con em và sắp đặt thời gian, thời lượng học tập hợp lý mỗi ngày cho bé. Bên cạnh đó, ứng dụng được tích hợp các bài tập, bài giảng cho giáo viên, phần nào hỗ trợ phụ huynh trong việc ôn bài, hướng dẫn cho con học".
https://dantri.com.vn/van-hoa/ung-dung-ky-thuat-so-vao-hoc-tap-va-doc-sach-lam-sao-de-tranh-lam-dung-20230423153412129.htm