Chia sẻ về cuốn sách “Chuyện kể ở lớp cây me” của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
10/08/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.png)
Từ trước đến nay em rất ít đọc sách nhưng khi được cô Nguyễn Thị Kim Hòa giới thiệu về những tập sách của cô em đã nhận thức được rằng sách giúp ta cảm nhận được những gì ta chưa làm được và làm thay đổi nhận thức về cuộc sống xung quanh. Khi được giới thiệu, em đã tìm đọc “Chuyện kể ở lớp cây me” - một cuốn truyện thiếu nhi theo đúng nghĩa truyện tranh màu mà ở đó mỗi bạn học sinh chúng ta sẽ được tìm thấy chính mình với những buổi học trên lớp, với những tình huống trong cuộc sống hàng ngày được xử lí một cách đầy tinh nghịch… Cuốn sách được in với số lượng 2000 bản, trên khổ giấy 13×18cm, ấn hành bởi nhà xuất bản Kim Đồng năm 2019.

Hình 1: Chân dung nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
Nguyễn Thị Kim Hoà là một nhà văn sinh ra lớn lên và làm việc sinh sống tại Ninh Thuận. Câu chuyện về cuộc đời của cô, em và các bạn trong trường không chỉ được tìm hiểu qua các tác phẩm cô viết mà còn được cô trực tiếp sẻ chia qua buổi gặp gỡ nhân dip chào mừng ngày Học sinh sinh viên 1/9 năm 2021. Cô tâm sự rằng khi vừa được ra đời, cô vẫn là một đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác. Một thời gian sau không may cô lâm bệnh. Lúc ấy còn quá nhỏ và căn bệnh đã khiến cô trở nên yếu ớt. Nhưng không vì vậy mà cô đầu hàng số phận. Bằng ý chí của mình và sự yêu thương của tất cả mọi người, cô đã có được sức mạnh, chiến thắng được chính mình và trở thành một tấm gương sáng cho tinh thần “tàn nhưng không phế”. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, cô bén duyên vời nghề viết, trở thành nhà văn với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng trên rất nhiều thể loại. Trong sự nghiệp văn chương của mình, nữ nghệ sĩ viết rất nhiều truyện dành cho thiếu nhi, cô cũng tự nhận mình “có duyên với mảng đề tài này” khi có tới 7/15 cuốn sách được xuất bản là dành cho độ tuổi thanh thiếu niên. Một số cuốn sách nổi bật có thể kể đến như: Tay chị, tay em, Công chú nhỏ chăn cừu, Leng keng Noel… và gần nhất là cuốn Chuyện kể ở lớp cây me xuất bản năm 2019.

Hình 2: Lớp cây me phiên bản đời thực
Trở vê quê hương, mang trong mình nhiều hoài bão và ước mơ còn dang dở, cùng với tình yêu dành cho trẻ thơ, Nguyễn Thị Kim Hòa mở lớp dạy những bài học vỡ lòng tại nhà với cái tên vô cùng đáng yêu là Lớp học Cây Me. 15 năm trôi qua, lớp học đã dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh nên người. Những nhân vật trong lớp học này chính là nguồn cảm hứng để nữ nhà văn viết nên “Chuyện kể ở lớp cây me” được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích và đón nhận. Những câu chuyện của tuổi học trò đầy vui tươi, tinh nghịch, có cả những giận hờn vu vơ và những trận đánh nhau tưởng đến sứt đầu chảy máu… Từng câu từng chữ cứ thế khắc họa những nét đáng yêu ngộ nghĩnh của tuổi mới lớn một cách đầy chân thực và cuốn hút khiến ta không thể rời mắt.
Có tất cả 20 chương, 140 trang, cuốn truyện “Chuyện kể ở lớp cây me” kể về những buổi học trên lớp với nhiều tình huống, qua đó, bộc lộ tính cách của từng học sinh. Mỗi một nhân vật được nữ nhà văn gắn cho một cái tên mà ở đó chỉ cần nghe tên của họ thôi là ta đã biết được đặc trưng lớn nhất của họ rồi. Voi Còi là chú voi có cân nặng thuộc hàng vô địch trong lớp, Sâu Điệu là cô nàng điệu đàng mọi lúc mọi nơi, Gấu Mập luôn mang danh bắt nạt bạn bè, khiến ai cũng phải “xanh lá” rồi còn Thỏ Trắng luôn là “giáo sư biết tuốt” trong mọi câu chuyện và thích kể lại cho người khác nghe… Mỗi một nhân vật quả thật là một thái cực không đụng hàng, tất cả làm nên sự vui nhộn, thú vị cho lớp học Cây Me của cô giáo Cò Hương. Cò Hương được xây dựng là một hình tượng giáo viên mẫu mực khi luôn yêu thương, chia sẻ với học trò, luôn khuyên nhủ các em khi làm sai và khích lệ để học sinh nhận ra lỗi lầm và từ đó sửa lỗi. Thậm chí cô không ngần ngại lắng nghe những câu chuyện của Thỏ Trắng thao thao bất tuyệt mỗi ngày. Đọc truyện xong, các độc giả nhí của lớp học Cây Me ngoài đời thực ai cũng bảo: “Cô giáo Cò Hương là cô Hòa đó”. Lớp học Cây Me sau khi đi vào tác phẩm đã trở thành hình mẫu một lớp học lí tưởng của lứa tuổi học sinh như tụi em. Ở đó có sự vui nhộn, tinh quái của tuổi học trò, ở đó còn có sự ấm áp của tình yêu thương từ người mẹ hiền Cò Hương. Tất cả tạo nên sức hút cho cuốn truyện bởi chúng em như được nhìn thấy mình ở đâu đó trong các nhân vật và tình huống truyện được kể gần gũi, chân thực và dễ đi vào lòng người.

Hình 3: Lớp cây me phiên bản truyện tranh
Những tình huống truyện đặt ra trong “Chuyện kể ở lớp cây me” như một thế giới nhiều màu sắc xung quanh chúng ta. Một môi trường tràn ngập sự yêu thương và khích lệ giúp chúng ta hoàn thiện chính mình, đứng lên để hướng tới một tương lai xán lạn hơn. Khi đọc truyện em cứ thấy như mình đang bị lạc vào thế giới mới được vui chơi chạy nhảy trong những ngày còn thơ, được mách lẻo với cô, báo cho cô biết những bạn ăn vụng, ngủ gật trong giờ học. Truyện gợi lên những kỉ niệm sâu đậm của thời học sinh cắp sách tới trường. Truyện thực sự đã đưa vào gần như trọn vẹn những tinh quái, vô ưu của tuổi học trò chúng em và cho những độc giả trưởng thành một vé đi tuổi thơ khi đem đến cho họ những năng lượng tích cực để vượt qua những bộn bề của cuộc sống “vốn lắm nỗi buồn nhưng chẳng bao giờ thiếu niềm vui”.
Thiên truyện là đứa con tinh thần được ấp ủ từ lâu của nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Nó hấp dẫn bạn đọc đặc biệt là các độc giả ở lứa tuổi thiếu nhi không chỉ bởi nội dung lí lắc, dí dỏm quanh những câu chuyện học đường của các bạn nhỏ mà sự hấp dẫn đó còn đến từ phần tranh minh họa vô cùng bắt mắt của họa sĩ Tố Ni. Mỗi một phần tranh minh họa về các nhân vật quả là sự dụng tâm không hề nhỏ của người nghệ sĩ khi mà nó lột tả được từng đặc trưng riêng biệt của các Mèo Vàng, Sâu Điệu, Gấu mập, Hổ Bông… Các phần tranh được in màu sắc nét cũng là điểm cộng cho sự hấp dẫn của tập truyện. Tính đến nay thì đây là cuốn truyện tranh màu đầu tiên trong bảy tập truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn Kim Hòa. Chính nhờ sự đầu tư nghiêm túc và mới mẻ này mà em tin rằng Chuyện kể ở lớp cây me sẽ được đón nhận một cách nồng hậu từ các độc giả nhí đến những người có chuyên môn trong nghề viết.

Hình 4: Tranh minh họa của họa sĩ Tố Ni cho nhân vật Thỏ Trắng
“Chuyện kể ở lớp cây me” ra đời, so với các tập truyện dành cho thiếu nhi của nữ nghệ sĩ thì tuổi đời của nó còn rất trẻ. Tuy nhiên không vì vậy mà nó bị “lép vế” so với các tập truyện đi trước của cô. Nhà báo Hồ Huy Sơn bút danh Quỳnh Yên khi viết về tập truyện trên báo Sài Gòn giải phóng online đã gọi lớp Cây Me là “lớp học vui nhất trên đời”, ông còn nhận định “Nếu ở mảng sáng tác dành cho người lớn, Nguyễn Thị Kim Hòa ghi dấu ấn bằng những tác phẩm ám ảnh, gợi nên những thân phận kém may mắn thì ở truyện thiếu nhi chị lại tạo ra không khí dí dỏm, hài hước, không thiếu những bài học nho nhỏ, nhẹ nhàng và khéo léo, đầy không khí trẻ con. Và người đọc có thể nhận ra điều đó trong tác phẩm mới nhất vừa được ra mắt: “Chuyện kể ở lớp học Cây Me”. “Nhà văn Kim Hòa đồng thời là giáo viên khi kể chuyện về học trò nhỏ trong truyện, cô gửi gắm tâm sự về nghề gõ đầu trẻ, phải một mực hết lòng vì các học sinh của mình” là nhận định của tác giả Ái Nhi trên báo Zing news. Nói về lớp học Cây me, cô còn không ngần ngại khẳng định “Lớp học Cây Me có lẽ là hình ảnh của biết bao nhiêu lớp học ở trên đất nước Việt Nam.” Rõ ràng những đóng góp của nữ nhà văn cho sự phát triển của dòng văn học thiếu nhi nói riêng và văn chương nước nhà nói chung là không hề nhỏ, các tác phẩm của chị đều được giới chuyên môn và độc giả đánh giá rất cao. Bằng ý chí, nghị lực và quan niệm “Viết là để sống nhiều hơn trong một kiếp người”, Kim Hòa đã cho thấy thái độ nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật của mình. Cũng chính vì lẽ đó, trong năm 2021 sau khi gặt hái được rất nhiều thành công trong sự nghiệp, chị đã được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh vào “Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng của năm”. Đây quả là niềm tự hào không chỉ riêng với bản thân và gia đình chị mà còn là niềm vui, sự hãnh diện của quê hương Ninh Thuận chúng em. Thật mong rằng trong những năm về sau, người nghệ sĩ ấy có thể đủ sức khỏe, thừa đam mê để tiếp tục cho ra đời nhiều hơn nữa những đứa con tinh thần góp một phần công sức vào sự phát triển của văn học tỉnh nhà cũng như văn chương cả nước.
Ai đó từng bảo: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học”. Từ ngàn đời xưa, văn học và cuộc sống đã luôn có mối quan hệ không thể tách rời. Văn chương được lấy cảm hứng từ cuộc sống và được sáng tạo để phục vụ đời sống tâm hồn tình cảm của con người mà ở đó người nghệ sĩ được ví như là kẻ trung gian. Người nghệ sĩ tài ba phải là người “phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”. Kim Hòa chính là một nữ nghệ sĩ như thế khi đã vận dụng sự khéo léo và tinh tế của mình để biến lớp học Cây Me trong đời thực trở thành lớp Cây Me phiên bản truyện tranh đầy sinh động và hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện trong “Chuyện kể lớp cây me”. Đây hứa hẹn sẽ là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều bạn nhỏ và sẽ là một trong những đầu sách hot nhất của nhà xuất bản Kim Đồng về đề tài văn học thiếu nhi.
Kiều Nữ Linh Nghi