Chia sẻ về cuốn sách “Người về bên sông” của nhà văn Võ Thị Thu Loan
03/08/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.png)
Tôi từng nghe nói ở đâu rằng “Sách là thế giới”. Quả thật đúng là như vậy, sách là thế giới thu nhỏ, cho phép ta trải nghiệm, cảm nhận rất nhiều cảm xúc khác nhau qua những câu chuyện đầy xúc động để rồi từ đó, tự rút ra bài học cho riêng mình. Một cuốn sách hay, một tác phẩm có giá trị phải là thứ mà đọc xong ta không thể quên ngay. Nó in hằn trong trí óc của ta, đi qua bao lớp bụi phủ mờ của thời gian vẫn in sâu trong tâm khảm của từng độc giả yêu sách và trụ mãi với thời gian cùng những giá trị vốn có của nó. “Người về bên sông” của nhà văn Võ Thị Thu Loan với tôi là một tâp truyện như vậy. Cuốn sách được in với số lượng 200 bản trên khổ giấy 13x20cm, xuất bản bởi nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2018.

Chân dung nữ nhà văn – nhà giáo Võ Thị Thu Loan
Võ Thị Thu Loan là người con sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lập nghiệp và sinh sống tại Ninh Thuận quê tôi – một vùng đất mà trong sách vở và các ca từ của nhiều bài hát tôi thường nghe họ nói là “đầy nắng và đầy gió”. Vốn là một giáo viên phụ trách giảng dạy môn Ngữ Văn, bén duyên với nghề và yêu những trang văn từ thuở còn tấm bé nên ngoài việc dành nhiều tâm tư, nhiệt huyết cho công việc giảng dạy bộ môn, cô còn tham gia sinh hoạt trong Hội Văn học – Nghệ Thuật tỉnh Ninh Thuận nơi quy tụ nhiều những gương mặt yêu văn nghệ và có lòng với nghiệp cầm bút. Ở đó cô được giao lưu, được học hỏi, được mở rộng tầm hiểu biết về thế giới muôn màu muôn vẻ ngoài kia và đặc biệt, đến với Văn chương, cô được là chính mình, được thỏa đam mê ngụp lặn trong từng câu chữ và biến chúng trở thành những câu chuyện, những tác phẩm chứa đầy ắp trong đó cái Tình người – thứ có thể tưới mát cho vùng đất vốn khô cằn như Ninh Thuận quê tôi.
20 mẩu truyện ngắn, 164 trang của “Người về bên sông” đều xoay quanh cuộc sống làng xóm bên dòng sông Dinh thơ mộng, nơi mà nhà văn – nhà giáo Võ Thị Thu Loan đã gắn bó gần cả đời người. Tập truyện phải hay ho thế nào thì trong lời tựa cho cuốn sách, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa mới viết “Tôi muốn ví tập truyện đầu tay này của Võ Thị Thu Loan như một dòng sông. Bình dị. Hiền hòa. Sông mát ngọt lòng bởi một điều duy nhất. Tình người!”… Quả thật, khi tiếp xúc với cuốn sách rồi, ta mới thấy, những lời nhận xét đó không chỉ là những lời nói có cánh, những câu từ hoa mĩ mà nó thật sự chính là thứ đã thấm đẫm trong từng trang văn của “Người về bên sông”.
Ai trong chúng ta cũng có một dòng sông tuổi thơ chứ? Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông Dinh đầy thơ mộng và hiền hòa. Lũ trẻ con chúng tôi cứ lớn lên bên cạnh dòng sông mà sinh ra đã thấy nó ở đó và cứ mải miết tận hưởng sự ngọt mát nó mang lại mà chưa từng mảy may tò mò nó có tự bao giờ. Chúng tôi cắt cỏ ven sông, đùa nghịch, chơi đủ các trò bên bãi bồi; chúng tôi cứ thỏa thích nhảy tủm xuống nước mỗi ngày hè nắng gắt như để kiếm tìm sự dịu mát để chạy trốn cái nắng như thiêu đốt của vùng đất xứ nóng… Chúng tôi đã có một tuổi thơ như vậy, đã lớn lên như thế với bao sự vô tư và hồn nhiên của chính mình. Rồi tôi đọc “Người về bên sông”. Tôi mới chợt nhận ra rằng ở bên dòng sông thơ mộng mà tôi thường vẫy vùng đó, có cả những cảnh đời ngang trái, có cả những nỗi chật vật lo toan cơm áo gạo tiền của các bậc làm cha làm mẹ chỉ mong cho con mình có cuộc sống đủ đầy ấm no, có những thứ tình cảm cả đời chỉ nhờ dòng sông chôn chặt thầm kín của những chàng trai cô gái chân quê… Sông Dinh quê tôi đó hóa ra trong trí óc của bọn trẻ con chúng tôi chỉ toàn là màu hồng… Đằng sau đó hóa ra còn nhiều những nỗi niềm, còn đầy những âu lo, còn chất chồng bao số phận…

Người về bên sông – đứa con tinh thần đầu tay của nữ nghệ sĩ
Tôi bắt gặp hình ảnh người mẹ tần tảo, mẫu mực luôn lo lắng, cả môt đời vun vén vì chồng con trong “Quà Tết của mẹ”; Tôi lại thấy trong đôi mắt đục ngầu hằn cả vết chân chim niềm tự hào khi nhắc về con mình của người cha trong “Người cựu chiến binh già”. Thằng Củi trong “Thằng Củi”, rồi thằng Rượu trong “Điều ước của em” thì chẳng khác bọn chúng tôi khi chúng đều có một nỗi buồn nhớ mẹ khi mẹ đi xa… Cái tình cảm máu mủ ruột rà qua từng trang văn đọc lên mà nghe xúc động vô cùng. Là chuyện đời thường đấy, là những vụn văt hàng ngày trong cuộc sống đấy mà qua giọng kể trầm ấm của Võ Thị Thu Loan vẫn thấy nó da diết, khó quên ở trong lòng.
Bên cạnh tình cảm gia đình, trong truyện còn chứa rất nhiều những cái Tình khác. Đó là Tình quê trong “Bạn cũ” dù đã dứt áo rời làng thề không ngoảnh lại nhưng vẫn cưu mang người làng ở nơi xứ người. Đó là tình yêu đôi lứa với đầy sự dang dở, tiếc nuối của những cô gái “hồng nhan, bạc phận” trong “Cây bonsai mang tên hối tiếc”. Đó là Tình người của một con người “không có khái niệm về đạo đức nhân nghĩa” nhưng đã thức tỉnh nhân tâm trong “Mong ước về lại ngày xưa”… Bao nhiêu cái tình của cuốn sách đã lấy đi bấy nhiêu nước mắt của người đọc. Những lời nói cay nghiệt, những nhân vật “người xấu” được xây dựng trong truyện của nữ nhà văn dường như là để làm bật cái Tình ẩn chứa trong con người họ. Là sự cảm thông sâu sắc của cô dành cho những mảnh đời bất hạnh, là tiếng nói ít ỏi đứng về phía nhân tâm đang tiềm ẩn trong họ giữa cuộc đời hệt như nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao đã từng vì bênh vực vợ mình mà thốt lên: “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi…”. Phải chăng chính hoàn cảnh chật vật, thiếu thốn, khó khăn của cuộc đời đã đẩy đưa họ phải đóng vai “người xấu” hay tại chính những định kiến cay nghiệt của chúng ta đã không dành cho họ một chút Tình?
Một tập truyện ngắn giàu chất nhân văn, thấm đẫm tình người và tình đời. Những số phận được kể lại bằng một giọng văn trầm tĩnh, giàu tình cảm, chứa dựng nhiều thổn thức của nữ nghệ sĩ. Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu cảnh đời. Những cảnh đời có vui có buồn, có thâm trầm, ngang trái, có lúc cười ra nước mắt bởi sự hài hước của số phận. Nhưng trong từng trang viết, từng cảnh đời là môt niềm hi vọng vào cái tốt đẹp và sự lương thiện của con người.
Cuốn sách không chỉ để lại cho ta nhiều suy ngẫm về những câu chuyện đời thường xảy ra quanh cuộc sống của chúng ta. Thông qua cuốn sách, bạn đọc cũng có thể hiểu thêm đôi nét về cuộc sống và con người Ninh Thuận – một mảnh đất quanh năm thứ có được nhiều nhất chỉ là nắng và gió. Ta bắt gặp đâu đó trong từng trang viết là những ngày hè đổ lửa, lũ trẻ con trốn cha trốn mẹ đằm mình dưới sông Dinh yêu thương để rồi lại bị vài ba trận đòn roi “chẳng thấm vào đâu” của bà, của mẹ. Ta lại phảng phất thấy vào mùa hến lên, trẻ con, người lớn đua nhau ra bãi bồi bên sông đãi hến để trưa hè oi ả, nhà nào nhà nấy cũng chia nhau nắm rau dại sau vườn, nấu một bát canh hến với dư giả sự ngọt mát của sông quê. Rồi những đêm trăng tròn, rọi sáng cả bãi bồi, phảng phất trong tiếng gió có tiếng đàn ca của người dân trong làng kéo nhau ra bờ sông hóng mát, mùi khoai, bắp nướng cứ thế mà lan cả một vùng. Phải thốt lên rằng thật tuyệt vời biết mấy! Khi thông qua thiên truyện, nhà văn ngoài truyền cái tình cho độc giả còn có thể đưa đến cho người đọc một cái nhìn cụ thể hơn về con người và cảnh vật của quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của cô, từ đó góp phần đưa Ninh Thuận đến gần hơn với bạn đọc.
Gấp lại cuốn sách, thứ đọng lại trong lòng tôi không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành qua giọng kể của nữ nhà văn mà còn là cái Tình chảy đầy trong từng trang viết của cô như dòng sông Dinh hiền hòa vẫn êm dịu mát lành chảy mãi trên quê hương tôi vậy. Tuy là cuốn sách đầu tay và chỉ được xuất bản với số lượng rất ít ỏi nhưng tâp truyện đã rất thành công khi khơi dậy trong bạn đọc nói chung và bản thân tôi nói riêng về tình Người, tình Đời và tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước. Với thành công bước đầu này, mong rằng bằng tình yêu và niềm đam mê không ngừng nghỉ dành cho nghiệp viết, nhà văn – nhà giáo Võ Thị Thu Loan sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa trong thời gian tới để góp phần vào sự phát triển chung của văn học tỉnh nhà và đưa quê hương Ninh Thuận của chúng tôi đến gần hơn với các bạn đọc trên khắp cả nước.
Châu Não Ngọc Thanh Thúy