Tháng 4 nói chuyện Văn hóa đọc
15/04/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.jpg)
Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội. Sự tác động tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít, nó ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc nhất là trong giới trẻ.
Vấn đề văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay đang là vấn đề mà chúng ta cùng suy nghĩ. Tất cả chúng ta ai cũng biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Có những lúc ta đã khẳng định rằng “ Sách là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi người”. VI. Lê nin nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc của nhân dân Xô Viết đã từng tuyên bố : “ Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản”. Vậy mà xã hội hiện nay mặc dù Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành đoàn thể xã hội đã có nhiều hình thức nhằm chấn hưng văn hóa đọc nhưng hình như có vẻ nhiều người vẫn thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với nhiều kênh thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa? Nói về “ Văn hóa đọc” Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã khẳng định: “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”. Đứng trước tình hình văn hóa đọc ở nước ta đang có nguy cơ ngày một mai một, ngày 24/ 2/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 284/QĐ –TTg, quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam và được tổ chức trên phạm vi toàn quốc; ngày 15 tháng 3 năm 2017 Thủ tướng Chính Phủ lại ký tiếp một quyết định có liên quan đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam (Quyết định số 329/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030); và ngày 21/11/2019 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QHVN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong Luật Thư viện đã dành hẳn Điều 30 để quy định về phát triển văn hóa đọc (khoản 1 Điều 30 ghi rõ: Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam). Và ngày 04 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ- TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Quyết định này thay thế Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Điều đó càng chứng tỏ sách và văn hóa đọc có một vai trò rất lớn đối với quốc gia, dân tộc.
Khi nói đến văn hóa đọc là nói đến nền tảng văn hóa của một quốc gia, một dân tộc. Hiện nay “Văn hoá đọc” ở nước ta đang được xã hội cũng như các kênh thông tin đại chúng quan tâm và bàn luận khá nhiều. Mỗi người có một cách nhìn và đưa ra quan điểm khác nhau, thậm trí trái chiều nhau. Đây cũng là điều bình thường, bởi vì họ có cái nhìn và có sự hiểu biết khác nhau về “Văn hóa đọc”. Muốn đưa ra một nhận định đúng về một vấn đề gì thì chúng ta phải có khái niệm đúng về vấn đề đó thì mới có cơ sở khoa học để chứng minh.
“Văn hóa đọc” Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình thì chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Đó là văn hóa đọc được hiểu theo nghĩa rộng, còn ở nghĩa hẹp thì “ Văn hoá đọc” đó là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người trong xã hội. Trong bài viết này xin chỉ đề cập đến nghĩa hẹp của văn hóa đọc.
Đầu tiên nói đến thói quen đọc, thói quen đọc cũng không phải tự nhiên mà có, nó phải được được gây dựng, nuôi dưỡng từ nhỏ đến khi đi hết cuộc đời. Người xưa có câu : “ Thói quen khó bỏ” cho nên việc tạo được thói quen trong việc đọc là rất cần thiết. Nhưng thói quen đọc cũng cần được nuôi dưỡng chu đáo nếu không sẽ dễ bị bị áp lực xã hội như : cuộc sống bận rộn, công việc quá căng thẳng, quá nhiều việc chiếm hết thời gian, bị các phương tiện nghe nhìn cuốn hút..., thì thói quen đọc cũng có thể bị suy thoái, lụi tàn.
Sở thích đọc được hình thành trên nền tảng giáo dục và nhu cầu của từng cá nhân, thậm chí còn phụ thuộc cả vào nghề nghiệp của từng người. Sở thích đọc của mỗi người không giống nhau, người thích đọc tiểu thuyết, người thích đọc thơ, người thích đọc sách báo phổ biến khoa học kỹ thuật, người chỉ thích đọc sách báo nghiên cứu,... tạo ra sự phong phú, đa dạng, giàu màu sắc cho văn hoá đọc. Sở thích đọc của trẻ em thường là truyện tranh thậm chí ngày nay còn có những sở thích đọc không tích cực, thiếu lành mạnh, cần được uốn nắn như các em thích đọc những cuốn truyện tranh kiếm hiệp, có tính bạo lực, khiêu dâm,…
Kỹ năng đọc là sự rèn luyện thói quen trong quá trình đọc, nó được hình thành qua trình tự thời gian và dần dần tích lũy thành thói quen trong tư duy khi đọc, không những đọc để biết mà đọc còn để bình luận, phê phán và vận dụng sáng tạo vào cuộc sống. Kỹ năng đọc của một người được thể hiện qua các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, biết lựa những đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân và vận dụng các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu.
Thứ hai, biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân.
Thứ ba, phải thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình chọn lựa tài liệu.
Thứ tư, biết cách tiếp nhận tối đa, sâu sắc nội dung tài liệu đã đọc, chú ý cả tư thế ngồi đọc tài liệu, khoảng cách giữa mắt và tài liệu, ánh sáng để đọc tài liêu, môi trường đọc tài liệu, ...
Thứ năm, biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc.
Thứ sáu, biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc. Đây chính là kết quả trực tiếp của việc đọc hay nói cách khác là sản phẩm được sản sinh sau quá trình đọc tài liệu. Điều này thể hiện rất rõ tính hai mặt của việc đọc tài liệu: Nếu tài liệu được đọc có giá trị nội dung, tư tưởng tốt thì sẽ được người đọc vận dụng tốt trong cuộc sống và ngược lại.
Như vậy văn hoá đọc của mỗi cá nhân phải có đủ ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc.
Sách là một khái niệm mở; hình thức sách được thay đổi và cấu thành các dạng khác nhau tùy vào sự phát triển khoa học, công nghệ ở mỗi thời đại. Nên ngày nay nói đến đọc sách không chỉ có việc đọc sách in mà còn cả đọc sách điện tử (ebook) nữa, nhưng đọc sách in vẫn thú vị hơn nhiều. Đọc sách sẽ giúp ta tích lũy nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức trong mọi lĩnh vực, tăng cường khả năng tư duy. Sách làm ta thấy thoải mái và yêu đời hơn; đưa ta vượt thời gian, không gian để tìm hiểu lịch sử hay khám phá những ý tưởng, phát minh mới trong tương lai. Đọc sách còn cho ta biết thêm về tinh hình trong nước và thế giới, giúp ta tìm ra giá trị bản thân và chắp cánh cho những ước mơ, sáng tạo. Sách giúp chúng ta có tầm nhìn xa vượt cả không gian và thời gian. Trong cuộc đời chúng ta “ Sách là chìa khóa thành công”. Có rất nhiều câu danh ngôn hay về sách như : “Sách là người bạn, người thầy thứ hai của chúng ta”; “Sách là biển cả, là đại dương kiến thức vô bờ bến”; “Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.”,…Với các thông điệp ấy, hy vọng tất cả mọi tầng lớp nhân dân, mọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội sẽ vào cuộc để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về sách, về văn hóa đọc đến cộng đồng giúp mọi người trong xã hội chúng ta đều yêu sách, quý trọng và say mê đọc sách. Làm được như vậy chúng ta sẽ xây dựng được một thế hệ đọc tương lai, thực hiện thành công Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Phạm Thị Thơm