Văn hóa đọc: Chia sẻ tác phẩm "Tiếng đất" của Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
12/04/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.jpg)
Văn chương chúng em tuy cũng khô khan, cằn cõi như mãnh đất Ninh Thuận này. Nhưng mảnh chiếu đã dày công đan thì cũng nên đem ra cho xóm giềng tựa gối. Mong ai đó nghe được “Tiếng đất”-nghe được những lời thầm trách và đau thương của mảnh đất quê hương.
TIẾNG ĐẤT-- Nguyễn Thị Kim Hòa
Tôi
Đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét và của đôi mắt Tháp Chàm mất ngủ xanh xao.
Ra đời từ đống rơm hoang, lớn lên cùng mảnh đất cằn cõi của hoang mạc, trưởng thành bằng sự cộng sinh với nấm đất quê hương, với tiếng hát của cha và mồ hôi của mẹ. Tôi đã gọi tất cả những thứ đó là ruột thịt bởi chúng cho tôi sự sống, cho tôi linh hồn và cho tôi biết thế nào là tình yêu. Thế nhưng Ninh Thuận mà, “ Bao la nắng và mênh mông cát”, đau khổ và đói nghèo đã khiến nhiều người lơ đãng, thản nhiên giẫm đạp qua chữ Hiếu, vì đồng tiền họ giết hại một người mẹ khác – mảnh đất ruột thịt quê hương. Mẹ già đang gầy khô dáng bước, rừng hôm nay đâu cũng lối mòn. Bấy nhiêu khổ đau, xơ hóa về 3 chữ “Phận con người” đã thôi thúc một nhà văn Ninh Thuận lặn lội đến bên thềm của văn chương kí thác vào truyện ngắn “ Tiếng Đất” biết bao điều. Cô rửa trôi những giọt nước mắt của những bà mẹ, của những mảnh đất. Cho lộ thiên bao sự bất hiếu, bao tiếng bội bạc của những người con vì đồng tiền mà bỏ rơi đức nghĩa hiếu sinh.
Tác giả của truyện ngắn “Tiếng Đất” là nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa - một cây bút trẻ sinh năm 1894 ở vùng đất khô cằn Ninh Thuận. Ngày nhỏ cô bị trọng bệnh rồi dẫn đến cong vẹo cột sống, tay chân yếu, đi lại khó khăn. Song Hòa đã nỗ lực và cố gắng học tập vươn lên, từ thời đi học phổ thông Kim Hòa đã có niềm đam mê mãnh liệt với văn chương. Những năm sau đó chị liên tục xuất hiện với các truyện ngắn chững chạc và khằng định khả năng viết của mình qua các cuộc thi viết truyện và giành được nhiều giải nhất. Với tôn chỉ “ viết văn là nghề đi giữa hiện tại , chắt lọc vào trang viết những nỗi đau từ những phận người xung quanh mình”. Văn chương của Kim Hòa luôn thấm đẫm những giọt nước mắt, nó khiến người đọc dẫu mạnh mẽ nhất cũng phải chênh vênh cảm giác nặng nhọc với cái đôi quang gánh dãi dầu của những người mẹ, người chị liêu xiêu dưới cuộc sống thưa người, thiếu tình thương. Nếu ngoài kia người ta muốn văn chương phải là những lá cờ bay trong hạnh phúc thì Với Kim Hòa ta chỉ thấy văn chương của cô như những bụi lục bình trôi nhẩn nha trên sông, lúc tấp bờ này khi dạt bụi nọ. Đó là những câu chuyện đời thường nhất nhưng luôn ướt đẫm những giọt nước mắt trên 3 chữ “Phận con người”.

“Tiếng đất” được xuất bản bơi Nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ năm 2015, là một trong 8 truyện ngắn được in trong tập sách “Đỉnh Khói” của Kim Hòa. Cuốn sách được chia làm 3 phần: “ Cỏ”. “ Bụi” và “ Khói”: Riêng với “Tiếng đất” (thuộc phần “Cỏ”) lại như một hạt bụi vàng của Tác phẩm, với chất liệu mộc mạc gợi cho độc giả dự cảm về thân phận con người ở những góc khuất mà chúng ta khó nhìn thấy được trong cuộc sống. Ấy là tinh thần đấu tranh bền bỉ của một người mẹ, đặc biệt là những người mẹ cơ hàn ở cái đất Ninh Thuận trong cuộc trường chinh giành lại mảnh đất quê hương, bảo vệ từng mạch Đất yêm đến những giọt bình sinh cuối cùng. Đọc đến đoạn : “Người mẹ trong bà lúc ấn dấu tay vào khoảng trắng trên tờ giấy cắt hết phần đất từ sau khoảng trống của cây quạt gió đến gần đụng sân lúa cho công ty du lịch vẫn nói rằng bà đang làm đúng. Bà là mẹ. Một dấu tay, một khu đất trả nợ cho bao nhiêu chữ kí, bao nhiêu mảnh đất dưới tay con. Dù tiếng khóc từ những vạt cát dưới chân động đêm đêm vẫn thổi về cay xè giấc ngủ bà. Thì bà vẫn tin. Mình đã đúng” mới thấy được nỗi gian truân của những người mẹ trên miền đất nắng . Khi nhận xét về truyện ngắn của nhà văn Kim Hòa, Nhà văn Chu Lai “đánh giá cao lối viết tỉ mẩn, tinh tế, sử dụng thổ âm rất đắt của Kim Hòa. Ngôn từ trong truyện ngắn của chị chặt chẽ, chắt lọc, có sức nén, giàu hình ảnh và nghĩ ngợi.” Từ nghệ thuật cho đến nội dung, “Tiếng Đất” là một tác phẩm văn chương hết sức hoàn hảo đi ra từ 4 cửa ô của cuộc đời, rút cạn những hoài nghi của người đọc về những phận đời còn đang dang dở.

“Tiếng đất” là câu chuyện tô đậm bi kịch của gia đình. Truyện kể về 1 người phụ nữ cả đời sống nương nhờ vào đất cho đến những ngày gần nhắm mắt xuôi tay thì những đứa con của bà lại quay ra đòi mổ xẻ chia chác miếng đất đó. Cái tình nghĩa với mãnh đất quê hương cứ níu kéo không cho bà ra đi dù đã muốn nhắm mắt lìa đời. Đau vì tình đời , xót cho khúc ruột. Bi kịch của bà lại nảy sinh từ “ những đứa con sinh ra trong đất, ngủ trong đất, lớn lên từ những giọt mồ hôi của đất” lại đang hàng ngày hàng giờ tìm mọi cách thức, thủ đoạn để bán đất lao vào cờ bạc, ăn chơi. Chỉ có đứa con trai út, niềm hy vọng cuối cùng của bà tuy không bán đất nhưng rồi cũng quay lưng lại với đất. Người mẹ già yếu bằng mọi cách bảo vệ đất của mình, mảnh đất gắn bó với gia đình, với những kỉ niệm đẹp đẽ, bà yêu đất như yêu chính máu thịt mình. Bà sợ đất nghe được những lời của mấy đứa con trời đánh mà nó buồn. “ Bà phải xuống giường. Bà phải quỳ xuống thay các con bà ôm lấy đất. Bà phải dùng nước mắt để làm dịu những vết thương các con bà đã đâm vào lòng đất.”


Tiếng đất- hay tiếng lòng của người mẹ?
“Bà dùng nước mắt để xoa dịu vết thương các con bà đã đâm vào lòng đất. Bà là mẹ. Đất cũng là mẹ. Nước mắt người mẹ sẽ đắp lên vết thương trong lòng một người mẹ để cầu xin một tha thứ , một bao dung” Đó là những lời tự thuật trong truyện ngắn “tiếng đất” xuất phát từ một bà mẹ già cả đời sống và dung dưỡng mảnh đất cằn cõi của quê hương nay lại chứng kiến những đứa con ruột mình vì cơm áo gạo tiền mà phá hoại cái mảnh đất bao dung nuôi chúng lớn. Từng dấu vết của miền đất nắng gió Ninh Thuận tuy không ai nói ra nhưng độc giả mỗi khi đọc thì ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được đôi chân đang đứng trên mảnh đất ấm áp của quê hương mình. Bà mẹ ấy là ai ! Nó hiện lên đầy đủ một nét vẻ gian lao tần tảo yêu mảnh đất ruột thịt đến đánh đổi cả sự sống của một người phụ nữ miền Trung . Hai tiếng “má ơi” “ nội ơi” thoát lên từ những đứa con của miền đất lận đận càng làm thêm chua chát những khối tình mà người dân Duyên hải Nam trung bộ phải trải qua.
Không dấu diếm, đôi khi tôi luôn sợ rằng bản thân sẽ trở thành những “đứa con của đất” ấy: ích kỉ, tham lam, và vô tâm với máu với thịt với cái nôi đã đưa đẩy mình từ thuở còn nằm ngửa.Và tôi thương cho số phận của những người đàn bà vùng quê nghèo khổ, đặc biệt là cái vùng quanh năm nắng gió như Phan này nữa, cái nơi mà con người ta ra đường chẳng bao giờ cười nỗi vì đôi mắt nheo chặt lại bởi cái năng gay gắt, gió cát thì cứ chằng chịt như thể muốn nuốt chửng những bóng hình gầy gò nhỏ bé kia, những chú cừu cũng không còn hiền dịu nổi, chúng cứ đau đáu muốn húc nhau. Sinh ra ở cái vùng ấy đất chỉ có nắng gió và cát bụi ấy đã đủ khổ, đủ thiệt thòi rồi. Nhưng những con người trân quý ấy có mấy lần than thân trách phận? Họ vẫn sống vui, tận hưởng và gìn giữ là đằng khác. Từng miếng đất cằn cỗi, từng mạnh Đất yên quý hiếm, họ cho là máu là thịt. Họ yêu cái đất ấy đến độ nghe được tiếng thì thầm, tiếng buồn đau hay vui sướng của đất. Cái tình yêu ấy khiến người mẹ trong truyện nỡ cầm gậy vung vào đám con trời đánh của mình, thậm chí là mượn lời của một người đã chết, cái tình yêu ấy khiến cho một người già gắng gượng sống từng phút từng giây, giẫu biết lưỡi hái của thần chết đã hơi lạnh toát sống lưng, tất cả chỉ để mong có thể giữ lại từng tấc đất nhỏ bé. Nhưng để làm giàu chăng? hay khăng khăng giữ của? Không, không hề. Cái bà muốn là những đứa con của mình có thể hiểu được tiếng đất. Dù đến cuối đời, bà vẫn mong những đứa trẻ ấy, những đứa trẻ đã sinh ra trong đất, ngủ trong đất, lớn lên từ những giọt mồ hồi của đất có thể một lần sống chậm lại, gạt phăng những tiếng vồn vã của cám dỗ xa hoa mà một lần lắng nghe tiếng thủ thỉ dấu yêu của mảnh đất quê hương cằn cỗi nhưng thân thương và quí giá này.
Tiếng đất là một câu chuyện hay trong tác phẩm Đỉnh Khói. Nó đem đến cho ban đọc vô vàn cảm xúc, chí ít là đối với tôi. Đọc tiếng đất, có mấy ai không thương xót cho cái làng quê Ninh thuận nghèo ấy, để rồi thương cho tấm lòng của người cha, người mẹ, có mấy ai không khỏi phẫn uất trước cái sự vô tâm lạnh lùng của những đứa con, chỉ chờ chực tờ di chúc, chờ chực từng miếng đất mà không hề lắng lo cho sức khỏe của mẹ già, kể cả con ruột lẫn con dâu, những con người ích kỉ ấy cũng chẳng bằng một đứa bé khùng được lượm về từ rẫy. Ít ra nó có thể nghe được tiếng đất. Tức là hiểu thấu được nỗi lòng của người mẹ.
Bởi nên người ta nói văn chương là chuyện người chuyện đời, Nhà văn Kim Hòa đã thật tài tình khi đi thẳng vào lòng người đọc bằng cả tài năng và tấm lòng. Một tác giả địa phương sống với quê hương và văn chương đến gần đích của sự sống , gắn bó với từng mãnh đất , từng cụm cát , từng mạch Đất yêm dòng nước , từng câu chuyện của những người dân chân lấm tay bùn và trên tất cả là nâng niu mà cùng rơi lệ trước những biến cố của mảnh đất quê hương. Sẽ không ngoa khi nói “Tiếng đất” của Nguyễn Thị Kim Hòa đã thở vào văn chương một hơi muối biển của Phan Rang bởi nó mặn mùi mồ hôi của những người nông phu, tưới vào văn chương những cơn mưa rào của mãnh đất Tháp Chàm vì nó chát chúa những giọt lệ của biết bao người mẹ. Cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn, con cái lớn lên từ nếp rạ mái tranh. Bao nhiêu câu chuyện với đầy đủ âm giai của những người dân quê hiện lên thật đầy đủ : con người miền Trung này đã sống , đã đấu tranh, họ với quê hương đã hòa nhập thành một để một khi quê hương gặp nạn , họ sẳn sàng nằm xuống để lắp đầy những vết thương của mảnh đất quê hương.
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
Dải đất Miền Trung nắng lửa, bão tố, nghèo khó và quật khởi, những câu chuyện của những con người quanh năm chống chọi với thiên tai cũng khiến cho những người tưởng chừng cứng cỏi nhất cũng đôi lần rơi lệ. Qua truyện ngắn , chúng ta như được sống với những số phận chân quê mà trước giờ cứ ngỡ như xa lạ. Thấy được cha ông , bố mẹ, thấy rõ ràng cái quê hương máu thịt mình đang thay đổi từng ngày: “ Miền Trung / Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật/ Em gắng về đừng để mẹ già mong.
Nhưng hỡi ơi ! Con người cũng đã tàn nhẫn quá, họ sẵn sàng vì quyền lợi cá nhân mà hủy hoại cái nôi đã sinh ra và dưỡng dục họ. Sông ngày càng ô nhiễm , các mảnh tiểu sa mạc ngày càng lại thu hẹp, bao nhiêu công trình nhân tạo đánh mất đi những dòng chảy tự nhiên của quê hương. Tiếng Đất phần nào cũng dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh con người về môi trường sinh thái bởi văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm. Mỗi trang viết của Kim Hòa là mỗi nhát chém vào cuộc sống thực đầy rẫy những tai ương, mảnh đất lắm người nhiều ma này đã khiến đất mẹ thành những tấm lưng trần đen sạm, đâm vào lòng đất mẹ những công trình đầy rẫy mùi tiền, mùi hủy diệt.
Đồi nắng cũ trống huơ
tiếng mõ trâu thôi gõ
rừng còn đâu cho trâu đi hoang
xưa đeo mõ trâu làm nhăn nhó
nay đường trắng trơn
nhớ tiếng mõ- trâu buồn
(Ngụ ngôn của đất-Inra Sara)
Nhưng có lẽ, cảnh có thể thay đổi nhưng tình người vẫn sẽ cứ vậy. Nắng đã rèn cho họ sự rắn rỏi và cả lòng tin. Tôi vẫn tin rằng: dưới bộ mặt khô khốc kia vẫn đang ngụy trang cho những mạch yêm dồi dào đang chảy ngấm ngầm, giữa hạ lưu sông Lu và Sông Cái vẫn còn những ốc đảo xanh ngay giữa lòng miền trung, trên dãy núi Chà Bang vẫn tồn tại những con người cùng bầy cừu chạy hạn, và tất nhiên vẫn có những tình người gắn bó từng khúc ruột với mảnh đất quê hương.
Là một người con Ninh Thuận, đọc Tiếng Đất tôi lại càng đau đớn hơn. Thương cho người phụ nữ trong câu chuyện ấy, và tôi thương mẹ mình. Người phụ nữ vốn nhỏ bé , yêu kiều, nay bỗng chốc đen nhám, xạm đi vì sương gió, vì cái ăn cái mặc của chồng con. Người phụ nữ ấy chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình trước nhất. Đó có lẽ là tấm lòng của những người mẹ cụ thể hơn là những người mẹ ở vùng quê Ninh Thuận này, nơi mà cái giàu sang, chỉ là cái vật chất phù phiếm, nhỏ nhoi chẳng phải ai cũng may mắn có được.Chính vì thế, mà chưa bao giờ tôi có ý nghĩ là để mẹ buồn. Và tôi tin rằng những ai sau khi đọc tác phẩm này có thể hiểu hơn cho nỗi lòng của mẹ. Dù chúng ta sinh ra ở đâu, giàu sang hay nghèo hèn, cũng đừng quên quê hương, quên đi nơi chôi nhau cắt rốn, và người cho ta sự sống này nhé.
Tôi vẫn nhớ rất kĩ buổi chiều hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều trên mảnh đất đầy rẫy đau thương này, trên tay vẫn là cuốn sách đang mở. Những giọt nước mắt ấy là sự xót xa sự thương yêu, ôi quê mình sao đau đớn thế. Nếu tác phẩm này sinh ra để chiếm trọn trái tim bạn đọc thì nó đã làm được rồi đấy, ít nhất là đối với tôi. Quê mình còn nghèo lắm đúng không mọi người. Đám ruộng ngoài kia như một mảnh đất thênh thang đang ngày càng bạc đi từ khi nước mặn tràn về trắng xóa. Nhìn nụ cười trong ánh mắt nhọc nhằn của những người nông dân mà trong tim cứ thắt lại trước cái sự bươn chải ấy. Biết bao nhiêu người đã bỏ xứ ra đi tìm về miền đất hứa vì không chịu nỗi cái đói khổ cháy người đến độ mồng tơi không kịp rớt. “Đất chắt chiu anh, lông cánh anh bay tìm đất khác/ Tàn cuộc trâu già không kịp ngoảnh cố hương”. Nắng Phan Rang tiễn anh đi với dáng vẻ hình hài nhưng rước anh về lại là một nắm tro nhỏ bé , biết bao nhiêu hoàn cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Ai ơi. Đất quê mình còn nghèo nhưng quê hương dẫu có nắng gió nó vẫn là nơi đã một thời nuôi ta khôn lớn, nơi ấy còn có cha có mẹ , có mái ấm gia đình mà dòng mát sông DINH. Và cuối cùng xin được nhắn gửi đến những người con tha hương miền viễn xứ một tiếng nói nhắn nhủ : trái đã mọc thành cây, sông vẫn chảy thành dòng riêng chỉ có cha mẹ không đủ thời gian để chờ ta mãi mãi!
Bạch Lê Trúc Lam _ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn