Chia sẻ về cuốn sách “ Đỉnh khói” của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa
23/02/2022
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
.jpg)
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im”
Ngàn dặm quan san mấy độ thi ca. Hơn mấy mươi năm chiến tranh qua đi nhưng trên bầu trời Tổ quốc vẫn còn vang dội dư âm tiếng bom rơi đạn nổ. Những ngôi nhà trắng, những nấm mồ trắng, trôi âm thầm trên tóc trắng mẹ tôi. Một cách trực giác tôi luôn luôn nhận thấy quanh mình quá khứ vẫn còn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ, tôi nghe tiếng khóc mẹ già của những người lính trận từ thuở nào đó rất xa, tiếng chân bước lạc loài của những con người vì chiến tranh mà bị thay hình đổi dạng và tất nhiên cũng có những tình yêu tưởng chừng như không thể lại lặng lẽ đơm hoa và mãi mãi bị mắc kẹt trong chuỗi ngày dài nhạt thếch và bất tận. Tất cả những điều ấy như đã gói ghém chực chờ nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa bước đến mạnh gõ vào cánh cửa lịch sử để rồi tuồng ra trong “Đỉnh Khói” những kiếp người, những phận đời mà trước giờ vẫn còn như những trảng trống trôi lạc vào những bìa rừng của cuộc đời. Người bỏ rơi, lịch sử bỏ quên những đau thương, say khướt không một ai có thể hiểu nổi.
“Đỉnh Khói” là cuốn sách được viết ra từ người con của một miền đất nắng. Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984- nữ nhà văn trẻ đã lớn lên ở cái đất gió cát Ninh Thuận được sức nóng của chốn này đưa cô đến gần hơn với đạn lửa đấu tranh của dĩ vãng. Với cô, một nhà văn cần thiết nhất chính là “tài năng và tấm lòng” bởi thế mà khi chứng kiến những vết nứt về số phận các con người đã nằm xuống nơi eo đất thắt đáy lưng ong lại thúc giục và hối đốc Kim Hòa “lặn vào chữ nghĩa mà nhặt ra nụ cười”, “trải niềm đau trên trang giấy mong manh”. Nhà văn trẻ này muốn giải phóng những con người dĩ vãng thoát ra khỏi những biên giới của thiết chế lịch sử, đưa sự thật về lại với chính nó và cũng như là để miêu tả cuộc sống (thực tại lẫn quá khứ) một cách tường tận hơn. Trái đất rộng ra thêm một phần vì những trang chữ của nhà văn. Với Kim Hòa, quê hương mình còn đói còn khổ, bao nhiêu nông nổi đời người còn thấp thoáng. Đời người còn khó khăn, hoang mang với biết bao câu hỏi về cái xấu và cái ác, lẽ nào văn học lại hèn nhát xua tay. Vì thế mà cô không ngần ngại bày tỏ những sắc thái nhục cảm vốn nằm trong vùng khí hậu của những cấm kỵ, kiêng dè. Nhận xét về cô Nguyễn Bình Phương viết: “ Đây là tác giả có nội lực bền bỉ để tiến tới một sự nghiệp chứ không phải là một cây bút trẻ của thời của đoạn”
Cuốn sách “Đỉnh Khói” mà tôi muốn giới thiệu tới các bạn là một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa cho đến hiện tại. Vượt qua hơn 1000 tác phẩm dự thi, truyện ngắn “Đỉnh Khói” của cô gái 8X này đã giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp Chí Văn Nghệ Quân Đội 2013-2014. Ngay sau đó được nhà xuất bản Văn học Việt Nam xuất bản vào năm 2015 với cái tên “Đỉnh Khói”. Với 192 trang sách được in trên khổ giấy 12x20cm, “Đỉnh Khói” không quá dài nhưng cứ mỗi trang văn là một trang đời, bao nhiêu góc khuất của đời sống dường như được bật mí. Cuốn sách có 8 truyện ngắn được chia thành 3 phần “Cỏ” “Bụi” và “Khói” với mỗi truyện lại có một lối khai thác và cách đề cập đến số phận con người rất riêng- êm ái mà bàng hoàng, dịu dàng mà kinh động. Trong đó “ĐỈNH KHÓI” là một trong 8 truyện ngắn nổi bật (thuộc phần Khói) và làm nên tên tuổi của cuốn sách này. Chính vì thế nên trong bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập đến truyện ngắn Đỉnh Khói-một câu chuyện đã thay đổi nhận thức của tôi về con người và lịch sử cuộc sống. Cha đẻ của “Những Đứa Con Chết Già” - Nguyễn Bình Phương cũng đã nức lòng khen ngợi: “ viết về lịch sử nhưng lối viết không hề khiên cưỡng, rất tốt và vô cùng nhuần nhuyễn”.
Tác phẩm là sự kết hợp về những phận người với đầy đủ hoàn cảnh, đầy đủ âm giai, đầy đủ đau thương nhưng lại chung một hoài vọng muốn “ôm đuôi sao chổi” và kết cục luôn luôn để mắc kẹt những hoài vọng ấy nằm lại miền đất nắng. Đọc tác phẩm ta không thôi rưng rức trước những phận đời vì chiến tranh phải trôi sông lạc chợ, vì chiến tranh phải bước vào những con đường phi nhân đạo và cũng vì chiến tranh đã cướp đi của họ miếng cơm manh áo. Những con người ấy đã mãi giấu lại tính người trong chiến hào, họ sống với thực tại chỉ với nỗi nhớ mơ hồ và nỗi ám ảnh vật vờ tựa như khói cứ bâng quơ trôi tàn trên đỉnh tháp. Đúng nhất là họ sống như những ngọn nến leo lét cháy lên trong bầu không khí tù đọng của trời đêm-ngột ngạt, buồn đau và say khướt. Khó hai bàn tay nhưng giàu hai con mắt, qua những trang văn còn chưa ráo mùi mực, ta còn tìm thấy trong chiến tranh của Kim Hòa những thân phận về tình yêu, những tình yêu nghịch lý nhưng đẹp như sao trời đầu hạ. Những tình yêu chân thành của những người giặc Mỹ đứng bên kia lý tưởng của xâm lược lại để lòng thương một cô gái điếm mồ côi luôn mệt mỏi rướn mình khỏi những hố hang quá khứ. Bao nhiêu sự sống, bấy nhiêu câu chuyện. “Đỉnh Khói” sẽ đưa ta đến một góc nhìn khác của lịch sử, nơi ấy ta được đụng đầu với chiến tranh, hiện sinh và tình cảm. Được sống những ngày hoang mạc đầy rẫy những tiếng súng. Được lang thang khắp dãy miền Trung nhỏ hẹp để nhặt nhạnh những mảnh kí ức vốn bị thời gian lơ đãng dẫm qua và hơn cả là được giấu chút quê hương vào túi. Nào hãy cùng tôi và “Đỉnh Khói” bước vào cuộc viễn xứ lịch sử chưa từng có với hàng vạn dặm nắng cấu rát gót chân quê.
Diễm Thúy- một đứa nhỏ từ một cái xóm rẫy nghèo luôn phừng phực khói lửa nào đó vì chiến tranh mà phải lưu lạc đến những bìa trời-đến cái chốn Ánh Sao để cho đàn ông sục sạo bằng những tiếng nghiến răng uy quyền rin rít. Năm Thúy (mà lúc đó vẫn còn chưa là một cô Diễm Thúy hay Alice) theo má chạy giặc rồi bị bỏ rơi lại ở ngã ba bên đường, đứa bé ấy đã lớn lên với một bà Ba già và thằng Bình- cuộc đời cũng chẳng mấy lành lặn. Những mấy con người ấy gặp nhau, sống cuộc đời không ít buồn đau, như những kiếp người nhô lên từ những cánh đồng nhiễm mặn. Chính cái bối cảnh quá đỗi hanh hao của chiến tranh ấy đã dồn Diễm Thúy bước lên ngọn đồi Đại Tá nhưng đâu biết rằng đó cũng chính là lúc cô bước vào cái nghề phải cắn chặt môi, phải thôi sợ hãi, phải chịu đựng cái nhói buốt tởm lợm của những người đàn ông- nghề …Làm Gái.
“Gò ngực của một đứa con gái làng chơi giờ lại là nơi hứng bao tiếng thở dài, bao tiếng khóc của những người đàn ông đã từng là cánh thiêu thân lao vào một cuộc chiến” – Đó là lời nói của Diễm Thúy, từ một con người vô tội vô tình bị chiến tranh đọa đày vào những ngõ cụt của đau thương. Ta đã nghe khá nhiều về sự hào sảng của chiến tranh về những người lính “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”(trong Tây Tiến) những “dũng sĩ đâm lê núi thành/ Mắt tìm thù sao bay rực rỡ” qua cách tự hào của Phạm Hổ. Cũng nhiều lần ta không thôi mơ mộng về chuỗi ngày đấu tranh như những khúc khải hoàn đầy nhiệt thành và đẹp đẽ “Anh ở đây trên tuyết gần Mạc Tư Khoa/ Những hàng dương đang ngọt ngào thầm thì” (Aleksei Surkov) hoặc “lao vào chiến tranh không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, là vinh dự mà nhiều anh chị em chúng tôi cảm thấy phải giành lấy bằng được” (nhật ký Đặng Thùy Trâm). Nhưng nghĩ đi, hạnh phúc đâu ra trước những cái chết phi nghĩa của đồng loại. “Ngai vàng nào không xây lên từ máu, chiến thắng nào không đổi lấy bằng hàng vạn xã người”. Diễm Thúy là ánh nắng nghịch mùa hiếm hoi nhất mà Kim Hòa muốn bày ra với cuộc đời nhằm soi chiếu những góc khuất đau thương còn đang bị giấu kín bởi thiết chế của thời gian. Hằng đêm trong sự ân ái với những gã đàn ông (ban ngày còn là những thiếu tá liêm chính) Diễm Thúy vẫn thấy rõ những dãy núi. “Núi đang mọc ra hằng trăm con mắt, mỗi con mắt là một ngọn đèn rọi vào trần truồng sóng soài của Diễm Thúy trên mặt sàn”. Có lẽ chiến tranh tuy không trực tiếp nhưng vì nó mà cuộc đời của một đứa con gái đã bị mất. Nó cướp đi của Bé Năm “một ánh nhìn của cha, nửa nụ cười của mẹ” giữa mênh mông màu nắng quê hương cô không tìm thấy mẫu số chung của định phận. Cô gái ấy lạc mất gia đình, bị những người đàn ông mặc quân phục cưỡng hiếp, bị cấu xé bởi những quý bà có chồng dám bẽn lẽn đến với cô, bị bản thân hành hạ trước số phận không cha của chính đứa con mình và hơn hết là không tài nào thoát ra được những mảng ký rã nát toàn mùi khói. Đúng thật chiến tranh chỉ mang đến cho con người những tủi nhục, đắng cay của một kiếp lưu vong-người đứng bên mạn thuyền áo tang trắng mặc thay long bào.
Tôi đã đọc khá nhiều về văn học hậu chiến. Tôi hiểu rõ một Giang Minh Sài của “Thời xa vắng”-Lê Lựu: nửa đời yêu cái người khác yêu, nửa đời còn lại yêu cái mà mình không có. Tôi thấy rõ Quy trong "Chim én bay" của Nguyễn Trí Huân không thôi "trăn trở bức xúc vì muốn tìm lại nhà những thằng ác ôn bị chị giết mười năm về trước". Tôi biết về Kiên trong "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh với sự sống "mộng du" cùng quá khứ. Quá khứ với những hồi ức đầy đau xót của cuộc chiến mà anh đã bước qua dường như đã nuốt trọn cả hiện tại và tương lai của con người tội nghiệp này. Nhưng với Diễm Thúy- cô ấy đã cho tôi một cảm thức mới. Một nhận thức tường tận và rõ nét hơn về cuộc chiến và phận con người. Trước giờ trong tìềm thức của một đọc giả hạn tri như tôi cứ ngỡ như chiến tranh chỉ tồn tại ở những nơi gọi là chiến trường nhưng qua “Đỉnh Khói” tôi mới biết chúng tồn tại trong khắp các hang cùng ngõ hẹp. Chiến trường trong trí tưởng tượng của một đứa trẻ như tôi chỉ biết “đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường sơn đông nhớ trường sơn tây” nhưng nào ngờ với “Đỉnh Khói” chỉ có những cô gái điếm đêm đêm phải phục vụ cho những gã đàn ông mà ban ngày còn là anh hùng trên “đường ra trận” ấy. Sẽ không có một cánh cổng nào chào cô đến chiến tranh. Mênh mông chỉ toàn “những đàn cừu bụng hóp rọp ngỡ ngàng mở bừng những cặp mắt dài bu đặc ruồi đón mợ”.
“Những con chữ nắm đuôi nhau xếp hàng chịu phận đời bèo dạt,
Tàn cuộc phiêu bồng lại kết thành đám mây xanh”
Thơ - Inrasara
“Đỉnh Khói” cũng là nơi mà mọi tình yêu lạ kỳ được thành lập, đốt cháy trong tôi cái tư duy thù địch “giết mỹ là cao cả của tình yêu/ cái hầm chông là điều nhân đạo nhất”. Kim Hòa với sứ mệnh của một nhà văn chân chính đã thắc thỏm bước qua bạo động của thời gian để khơi lên trong tôi cái suy nghĩ thông cảm và thấu hiểu với những người lính Mỹ từng là những cơn thù hận trong lòng mình. Họ cũng chỉ là những người lính làm theo mệnh lệnh, suy cho cùng họ còn đáng thương hơn ta khi nhỡ phải nằm lại ở một vùng quê xứ người. Chiến tranh, về bản chất của nó, chính là sự tàn độc. Bởi, sau khi ngã ngũ, sau khi cuộc chiến ấy lùi về sau lịch sử, cả phe chiến thẳng và phe bại trận đều phải hứng chịu những mất mát, những hy sinh, những phận người nằm xuống. Không còn phe phái, không còn thắng thua, dưới ba tấc đất kia, chỉ còn là đồng loại, là người với người. Nằm trong nấm mộ cỏ xanh ấy, họ có lạnh lẽo hay chăng? Rồi người trở về, rồi thì người còn sống, họ có thực sự được sống một cuộc đời toàn vẹn với những vinh quang của ngày chiến thắng - đã phải trả bằng máu bằng nước mắt của đồng minh, bằng những tận cùng của đau thương. “Khi hòa bình đến, chúng ta sẽ kết hôn và trái đất sẽ mọc ra những bông hoa giống em, rồi chúng ta sẽ sinh ra những em bé gái xinh đẹp nhất vũ trụ”.
Chiến tranh chúng không chỉ diễn ra ở cái nơi gọi là chiến hào, ác liệt của chiến tranh cũng không thể đo bằng số bom đạn đã rời khỏi nòng súng. Chiến tranh càn quét hết tất cả những nơi nó đi qua, nó xảy ra trong lòng mỗi con người sống trên mảnh đất đó. Ác liệt của chiến tranh được đo bằng nỗi bất hạnh mà nó đã gây ra cho biết bao nhiêu người. Bản chất chiến tranh chúng chỉ mang 2 từ phi nghĩa. Là một ngưỡng cửa mà khi con người đã bước vào không thể nào trở lại. Bởi vậy mà Nguyễn Thị Kim Hòa đã đem ta đến một góc nhìn khác về thân phận con người thời hậu chiến cũng như miêu tả một cách trọn vẹn hơn vẻ yếu mềm và lầm lụi của những người lính trận. Diễm Thúy là một linh hồn bé nhỏ đứng giữa phi trường bập bềnh trong đấu tranh không thể phản kháng, không tranh hơn, không vỗ ngực, nhưng cũng không trốn chạy trước phận đời thất bát…
Tôi đã học được nhiều điều. Đọc “ Đỉnh khói” như đang tự lau chùi nhận thức của mình sau bao ngày bớn cợn, được sống một cách đầy đủ và trọn vẹn trong một kiếp người. Giữa xứ sở nắng chia đôi bóng người, gió chặt đôi giọng nói, tôi được cuộn mình trong thung lũng của tình yêu. Giữa bao la gió và mênh mông cát, tôi được “ Giấu chút nằng quê hương vào túi/ Làm hành trang mai mốt tìm về”
Văn học ngay cả khi nói về cái xấu cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện.Viết về mặt tối của chiến tranh, Kim Hòa không phải đang muốn bôi nhọ lịch sử mà chỉ muốn đến và miêu tả cuộc sống tường tận hơn, mang đến cho con người những đời sống bất tận, trả lại công bằng cho những người nằm xuống và Kim Hòa cũng đã vì mình “viết là để sống được nhiều trong một kiếp người”. Bóng dáng và đường đi của mỗi số phận trong “Đỉnh Khói” đều đưa tôi đến những bờ vực của cái hay cái lạ để rồi cho lộ thiên những bí mật đau khổ đến “bất khả tri nhận”. “Đỉnh Khói” đã làm tốt công việc của một tác phẩm văn chương “Khép một cõi đất-mở một chân trời”. Tôi tin với bạn đọc sau khi đọc cuốn sách này sẽ như một linh hồn trôi lạc theo cuộc phiêu bồng đến một bờ biển lạ mà xa xa là hải đảo mù khơi bất trắc. Người thủy thủ già như Kim Hòa đã không trở về cùng mùa vàng thu hoạch, chỉ thấy bay lả trên cánh buồm khoảng trắng khoan dung.
Thanh Phú. Lớp 11 văn. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn