Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Suốt đời, Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong di chúc của mình, Người còn ân cần dặn lại “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Tư tưởng của Người về giáo dục là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc nhằm bồi dưỡng con người Việt Nam yêu nước, có ý chí tự lực tự cường, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sáng nền giáo dục Việt Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, sự nghiệp giáo dục Việt Nam từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) đã đạt được những thành tựu to lớn, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Để khẳng định điều này, Thư viện tỉnh Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Hồ Chí Minh với ngành giáo dục” do tác giả Nguyễn Vũ tuyển chọn, được nhà xuất bản Thanh niên phát hành, in trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm. Nội dung tài liệu được sắp xếp theo thứ tự thời gian, tập hợp gồm 56 bài viết, bài nói, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành giáo dục với mong muốn cung cấp cho các nhà chuyên môn, những người giàu tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” để nghiên cứu và vận dụng tốt hơn.
Mùa thu khai trường đầu tiên của nền giáo dục tự chủ, Người gửi thư cho các cháu học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới các thế hệ tương lai của nước nhà: “Thư gửi cho học sinh” vào khoảng tháng 9/1945, Bác viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Người cũng bày tỏ sự kỳ vọng lớn lao vào lớp người trẻ tuổi và khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em…”.
Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo, vì nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con.
Đã trở thành thông lệ, mỗi mùa tựu trường, Người không quên gửi thư thăm hỏi động viên các thầy cô giáo, các em học sinh trên mọi miền Tổ quốc. Bác luôn quan tâm, chăm lo tới sự nghiệp giáo dục, vì Người coi đó là sự nghiệp “trồng người”. Người thường dành thời gian đi thăm động viên thầy và trò của nhiều trường mỗi khi có điều kiện. Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kịp thời động viên khen ngợi mỗi khi trường này, thầy này hoặc trò kia có việc làm hay, hành động, cử chỉ đẹp. Người mong muốn xây dựng một nền giáo dục của Việt Nam hiện đại, sánh ngang tầm thế giới.
“Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới” là bức thư cuối cùng và được xem là “Di chúc” của Bác dành riêng cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng, mà cả dân tộc Việt Nam nói chung.
Bác Hồ đã về cõi vĩnh hằng nhưng những suy nghĩ và tư tưởng của Người đối với sự nghiệp giáo dục đều mang tầm thời đại và cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động ngày càng hoàn thiện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với nghề; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc đã góp phần nâng cao vị thế của dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới. Sách hiện đang có tại Thư viện tỉnh Ninh Thuận.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc !
Nguyễn Thị Thùy Hương - Phòng Nghiệp vụ